(ĐTCK) Thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng và hoạt động xây dựng sa sút trong giai đoạn 2010 - 2013 đã khiến ngành vật liệu xây dựng (VLXD) gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh tiêu thụ giảm và tồn kho tăng cao, một số công ty, đặc biệt trong ngành xi măng, phải hoạt động dưới điểm hòa vốn. Tuy nhiên, sự ấm dần của thị trường BĐS và sự hồi phục của hoạt động xây dựng dân dụng cũng như xây dựng công nghiệp tiếp tục rõ nét hơn trong năm 2015 hứa hẹn sự cải thiện về sản lượng đầu ra, doanh thu và lợi nhuận của các công ty VLXD.

Triển vọng ngành VLXD năm 2015

Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, ngành BĐS và xây dựng đã có những hồi phục tích cực. Cụ thể, giá trị sản xuất ngành xây dựng đã tăng 10,2% trong năm 2014 và được dự báo có thể tiếp tục tăng 10% năm 2015. Với sự ấm dần của thị trường BĐS và các chính sách hỗ trợ đối với ngành, nhiều dự án BĐS như Vinhomes Central Park Tân Cảng, The Landmark, Masteri Thảo Điền, Tòa R6 Vinhomes Royal City, Vinhomes Riverside, Imperia Garden… sẽ được khởi động trong năm 2015.

Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, dự kiến sẽ có 169 dự án giao thông được khởi công và hoàn thành trong năm 2015. Trong đó, nhiều dự án trọng điểm như đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hoá -Vũng Áng, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận… đang được đẩy nhanh tiến độ triển khai. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư FDI dồi dào và sự hồi phục của nền kinh tế nói chung cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy việc xây dựng nhà xưởng và kho bãi trên cả nước. Tất cả các yếu tố trên đều có tác động tích cực đối với hoạt động xây dựng, kéo theo nhu cầu với các loại VLXD, đặc biệt là các loại xi măng, nhựa, sắt thép, bê tông, đá xây dựng…

 
Trong khi đó, các loại chi phí đầu vào đang có những diễn biến trái chiều. Quy định siết chặt tải trọng và giá nhiên liệu lên cao giữa năm 2014 đã làm tăng chi phí vận chuyển cho nhiều doanh nghiệp VLXD. Tuy nhiên, việc giá xăng dầu đã giảm khoảng 40% từ cao điểm đang giúp các doanh nghiệp cải thiện dần biên lợi nhuận. Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất ống nhựa và đá xây dựng với thị trường tiêu thụ thường xa nơi sản xuất, được hưởng lợi khá nhiều. Bên cạnh đó, những công ty xi măng phải nhập clinke từ bên ngoài để sản xuất như HT1 cũng sẽ tiết kiệm được một phần đáng kể chi phí vận chuyển nhờ giá xăng giảm. Đồng thời, giá dầu thô giảm cũng kéo theo sự giảm giá các loại chế phẩm từ dầu thô như dầu FO, DO (nhiên liệu đốt lò quay xi măng) và các loại bột nhựa (PVC, HDPE, PPR - nguyên liệu chính trong sản xuất ống nhựa).
 
 
Ở chiều ngược lại, giá điện, nước dự kiến sẽ được điều chỉnh tăng theo lộ trình trong thời gian tới. Khi đó, chi phí của doanh nghiệp sản xuất sẽ tăng lên đáng kể. Riêng đối với ngành xi măng, chi phí điện thường chiếm khoảng 10 - 12% giá thành sản xuất. Điều này sẽ làm gia tăng sự chênh lệch về biên lợi nhuận giữa các nhà máy có công nghệ sản xuất tiên tiến, tiêu hao điện năng thấp và các nhà máy sử dụng công nghệ cũ đã đầu tư từ lâu.

 

 
Xi măng

Nguồn cung mới tương đối hạn chế trong khi nhu cầu nội địa dự kiến tăng khá sẽ tạo dư địa để doanh nghiệp xi măng giảm tồn kho và duy trì giá bán.

Đến cuối năm 2014, cả nước có 74 dự án xi măng đang hoạt động với tổng công suất thiết kế khoảng 77,35 triệu tấn/năm và công suất thực tế có thể đạt từ 73 - 74 triệu tấn/năm. Theo thống kê của Hiệp hội Xi măng, sản lượng xi măng tiêu thụ năm 2014 đạt 70,6 triệu tấn, tăng 15% so với năm 2013. Điều này cho thấy sự thu hẹp đáng kể trong khoảng cách cung - cầu. Năm 2015, nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa được Bộ Xây dựng dự báo sẽ tiếp tục tăng thêm khoảng 3 triệu tấn (+6%), góp phần cải thiện tình trạng dư cung xi măng trên thị trường nội địa.

Mặt khác, theo quy hoạch mới của Bộ Xây dựng, chỉ có 1 dự án xi măng nhỏ (công suất thiết kế 0,6 triệu tấn/năm) được đưa vào vận hành năm 2015 nên nguồn cung dự  kiến sẽ không thay đổi nhiều. Nhu cầu tăng trưởng khả quan trong khi nguồn cung ít thay đổi có thể giúp duy trì tồn kho xi măng ở mức vừa phải và cho phép các doanh nghiệp tăng giá bán để cải thiện lợi nhuận.

Sử dụng nhiều nợ vay là một trong những đặc thù của các doanh nghiệp ngành xi măng. Đến cuối năm 2014, phần lớn các doanh nghiệp xi măng đang niêm yết vẫn còn hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu khá cao (HT1: 1,9x, BCC: 2,3x, BTS: 2,5x…). Điều này đã tạo ra áp lực tài chính không nhỏ khiến lợi nhuận của một số doanh nghiệp thậm chí tăng trưởng âm trong giai đoạn 2011 - 2013. Việc mặt bằng lãi suất thấp và vẫn còn dư địa để giảm thêm trong năm 2015 sẽ là một yếu tố hỗ trợ đối với lợi nhuận của các doanh nghiệp xi măng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xi măng thuộc Tổng công ty Vicem thường phải vay những khoản nợ lớn bằng đồng EUR trong quá trình đầu tư dây chuyền sản xuất là nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lớn trong giai đoạn 2009 - 2010 khi đồng EUR tăng giá mạnh. Tại thời điểm cuối năm 2014, dư nợ EUR của BTS, HT1 và BCC còn chiếm gần một nửa tổng nợ vay ngắn và dài hạn của các công ty này. Như Rồng Việt Research có đánh giá ở phần “Triển vọng vĩ mô” trong báo cáo chiến lược năm, việc ECB công bố sẽ tung gói nới lỏng định lượng quy mô từ tháng Ba có thể khiến tỷ giá EUR/VND giảm mạnh trong năm 2015. Điều này hứa hẹn khả năng ghi nhận lợi nhuận lớn từ chênh lệch tỷ giá cho các doanh nghiệp xi măng niêm yết trong năm 2015.

 

 
Nhựa xây dựng

 

Cạnh tranh trong ngành nhựa xây dựng đang ngày càng khốc liệt hơn. Tính đến thời điểm hiện tại, có 4 doanh nghiệp chuyên sản xuất ống nhựa xây dựng niêm yết là Nhựa Bình Minh (BMP), Nhựa Tiền Phong (NTP), Nhựa Đà Nẵng (DPC) và Nhựa Đồng Nai (DNP). Trong đó, 2 công ty niêm yết lớn là BMP và NTP đang nắm giữ hơn 50% thị trường nhựa xây dựng. Rào cản gia nhập ngành thấp khiến sự cạnh tranh trong ngành ngày càng khốc liệt. Nhiều doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, đang cạnh tranh bằng cách tăng chi phí hoa hồng cho đại lý và giảm giá đấu thầu vào các dự án, làm ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng và biên lợi nhuận hoạt động của hai doanh nghiệp đầu ngành. Sự tham gia mới đây của Tập đoàn Hoa Sen, một doanh nghiệp sẵn có hệ thống phân phối rộng và tiềm lực tài chính mạnh được dự báo sẽ khiến tình hình cạnh tranh trên thị trường ống nhựa trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Như vậy, dù nhu cầu gia tăng, nhưng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp ống nhựa khó có thể tăng trưởng mạnh tương ứng trước sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường.

 

Chọn lọc doanh nghiệp

 

Với ngành VLXD, các doanh nghiệp có hệ thống phân phối rộng, quản lý hiệu quả, thương hiệu mạnh và có thể mở rộng công suất ngay trong năm nay có thể giữ vững và gia tăng thị phần khi nhu cầu thị trường đang hồi phục. Riêng với xi măng, các doanh nghiệp có thị trường tiêu thụ ở các địa phương đang thu hút FDI có nhiều dự án BĐS và hạ tầng giao thông như Hà Nội, TP. HCM, Tây Nguyên, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Tĩnh… có thể hưởng lợi nhiều hơn khi nhu cầu xây dựng tại các tỉnh, thành này gia tăng.

CTCK Rồng Việt